KINH NGHIỆM VÂN NAM – HỒ LÔ CÔ TRUNG QUỐC
VÂN NAM – HỒ LÔ CÔ - 泸沽湖 - PHẦN 1.
Mình đến Hồ Lô Cô (泸沽湖) vào lúc giao mùa cuối hè chuẩn bị sang thu trong một tuần trốn học cầm máy chạy lung tung.
Đến đây rồi mới biết Hồ Lô Cô là một địa danh trong phim Tây Du Ký (Tây Lương Nữ quốc). Hồ Lô Cô nối giữa Tứ Xuyên và Vân Nam, cũng chính là thượng nguồn của dòng sông Dương Tử. Các tộc người sinh sống ở đây chủ yếu là Mosu (摩梭人), Mông Cổ (蒙古族), Di (彝族) và Phổ Mễ(普米族).
Hồ nước quanh năm trong veo và xanh thẩm, giữa hè có thể nhìn bằng mắt thường thấy được đáy hồ. Đặc biệt, vào mùa hè thì có Hải Thái hoa (海菜花 - Ottelia) nở trắng xoá bồng bềnh nổi trên mặt nước xanh ngắt. Lần đó, được chị chủ nhà cho người ra hồ vớt Hải Thái hoa về làm món canh cho ăn, người dân nơi đây họ không ăn hoa này. Nếu được xem là khách quý thì họ sẽ làm món này ăn và kèm theo rượu đỏ (cao lương đỏ). Loại rượu này uống vào rất thơm, có vị ngọt, chua, béo và không thấy độ cồn, tuy nhiên mình quắc cần câu đêm đó cho tới sáng hôm sau mà không biết mình lạc vào cung nào nữa.
Cứ mỗi lần xuất cung là mình mang theo café gói và bột (kèm theo bộ dụng cụ pha chế và sữa Ông Thọ). Sáng sớm mình dậy pha café mời họ uống, người trong nhà rất thích thú với hương vị này, chị chủ nhà nói nếu được thì mình gửi cho chị để chị bán, tuy nhiên máu kinh doanh của mình không có nên chị tặng thôi chứ không bán.
Những ngày ở đây mình quan sát thấy phong tục của người Mosu vẫn như vài trăm năm trước. Người phụ nữ là lãnh đạo. Đàn ông, thanh niên trong vùng là những con Sen đắc lực.
Nếu như một người con gái đến tuổi trưởng thành, muốn sinh con thì họ chấm một thanh niên nào đó họ ưng ý, rồi kêu họ đến vào buổi tối, đến khi có thai thì họ cấm người thanh niên kia không được đến nhà nữa! Sau khi sinh con thì phía người mẹ tự chịu trách nhiêm nuôi dưỡng, dạy dỗ không cần đến việc phụ giúp của người cha. Nếu người cha muốn thăm con thì phải được người mẹ cho phép, nếu không thì không bao giờ được tới thăm. Tuy nhiên, nếu nhà gái chấp nhận thì kêu người cha đến ở chung và phụ giúp việc gia đình. 4 ngày ở đây, mình thấy thanh niên trai tráng trong vùng rất ít! Hỏi mới biết là họ đi đến những thành phố khác để kiếm sống và có tư tưởng không muốn là một “công cụ” của người phụ nữ. (Đây là phần mình tìm hiểu được qua chị chủ nhà).
Đến đây, Buổi sáng và chiều thì nhóm bạn chủ yếu đưa mình đến chụp Núi Đá Nữ Thần. Núi Đá Nữ Thần có hình dáng một khuôn mặt người ở góc 50/50 nhìn lên trời xanh, soi bóng xuống mặt hồ Lô Cô. Đi đi xung quanh hồ nhìn qua núi đá đều thấy hình dáng đó. Buổi chiều, mặt trời rớt xuống đúng ngay vùng cổ của Nữ Thần.
Lần nào đến đó thì hoàng hôn rất đẹp. Tuy nhiên, vào ngày cuối cùng đến thì có xuất hiện mây Ngũ sắc rất lâu mới tan, bầu trời và mặt nước phủ một màu tím ngắt khi mặt trời khuất dạng.
Những thời gian khác thì có một anh bạn (Hình ngồi câu cá trên hồ) ở gần nhà trọ của mình lại chở mình đi lang thang trong vùng để chụp ảnh, tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây. Anh bạn này nhỏ hơn mình cũng thích đi khỏi vùng để tìm cuộc sống mới, tuy nhiên học vấn là rảo cản vì anh ấy không biết chữ. Sau này vẫn còn giữ liên lạc được qua QQ bằng cách bạn ấy nói rồi gửi tin cho mình nghe.
Nhìn chung, nơi đây quanh năm không khí ôn hoà, cuộc sống bình lặng, cảnh sắc tươi đẹp. Con người rất hiếu khách và hiền lành (Đa số không biết Việt Nam là gì!).
Đi xong chuyến này hết 10 ngày (Đại Lý - Lệ Giang - Vân Nam) về lại trường nhờ mấy đứa em Việt Nam và Trung Quốc làm dùm cả thiên bài tập, còn Thầy Cô thì cứ tưởng trốn về nước vì không liên lạc được!