MONG CHỢ NỔI VẪN LUÔN "NỔI" NHƯ CÁI TÊN CỦA NÓ!!
Năm 2016 chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng chợ nổi qua thời gian đang vắng dần.
TP Cần Thơ đã có đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi. Qua năm năm triển khai đề án, nhiều phần việc đã được thực hiện tuy nhiên nguy cơ khiến chợ nổi "bị chìm" vẫn hiển hiện.
Anh Minh Trung sau chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng cho biết từ bến tàu du lịch Ninh Kiều, tàu du lịch đưa anh đến ghe bán hàng rồi ghé ăn sáng ở chợ nổi là kết thúc. "Họ không đưa khách chạy lòng vòng tham quan chợ nổi và cũng không giới thiệu về cây bẹo, con người, văn hóa chợ nổi. Nói chung sản phẩm, trải nghiệm rất đơn điệu", anh Trung thất vọng.
Dì Bảy, người bán bún riêu ở chợ đã 26 năm, cho biết ghe tàu của thương hồ giảm rất nhiều so với thời hoàng kim của chợ nổi Cái Răng. Thời đó ghe tàu của bạn hàng từ Cà Mau mỗi lần lên lấy hàng khoảng 20 chiếc, giờ còn 2 - 3 chiếc, bạn hàng Sóc Trăng, Bạc Liêu lên cũng rất ít.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại chợ nổi Cái Răng chưa đảm bảo; tiểu thương cạnh tranh không lành mạnh. Sản phẩm và trải nghiệm trên chợ nổi Cái Răng còn đơn điệu hay rác thải vẫn trôi lềnh bềnh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhận định để chợ nổi Cái Răng tồn tại cần duy trì ổn định hoạt động mua bán trên sông, phát triển thành chợ đầu mối, duy trì điểm trung chuyển hàng nông sản của vùng.
Phải giúp thương hồ bán được hàng, thu mua gom được hàng, thực hiện chính sách đặc thù thông qua hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí bảo dưỡng tàu ghe cho thương hồ.
UBND quận đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu tàu chợ nổi để thương hồ lên xuống hàng hóa, còn trạm dừng chân chợ nổi và nhà hàng nổi ven sông đang được kêu gọi đầu tư.
Theo Tuổi trẻ online