Tin mới Liên hệ

12 NGÀY KHÁM PHÁ BALI (INDONESIA) TỰ TÚC BẰNG XE MÁY

Quốc Viêt 14/09/2022

12 NGÀY KHÁM PHÁ BALI (INDONESIA) TỰ TÚC BẰNG XE MÁY

TÌM HIỂU SƠ SƠ VỀ BALI:

Bali – “Hòn đảo thiên đường” nằm ở cực Đông của Indonesia, mang hình dáng chú gà con, mỏ hướng ra vùng biển Ấn Độ Dương. Bali là cái tên được nhắc nhớ nhiều hơn cả, kể từ khi bộ phim Eat, Pray, Love (Ăn, Cầu Nguyện, Yêu) chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của tác giả Elizabeth Gilbert phát sóng.

Đến với Bali, thứ ướp vào tâm hồn chúng ta vào một mùa hè bỏng cháy không chỉ có biển xanh cát trắng ở những hòn đảo nhỏ, những hoạt động bơi lội, lặn, lướt sóng, ngắm cá heo, cá mập… mà còn những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh bạt ngàn; đồi núi trập trùng uốn lượn; ruộng bậc thang xanh mướt, miệng núi lửa vẫn còn hoạt động…

Hơn cả, len lỏi vào từng góc phố là màu sắc tâm linh ở vùng đất của những ngôi đền, nơi có gần 20.000 đền đài lớn nhỏ đạo Hindu rải rác quanh hòn đảo.

THỜI TIẾT + NHIỆT ĐỘ + MÚI GIỜ:


CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC NHỮNG GÌ?

(1) Vé máy bay: Vé kỳ lễ 2/9 mình mua khoảng hơn 5tr cả ký gửi (15kg đi, 25kg về cho 2 đứa). Nếu chịu khó săn sớm, vé có thể rẻ hơn tầm 3,7 – 4tr/khứ hồi. Thời gian bay từ Hà Nội khoảng 5 tiếng.
(2) Simcard: Đợt này đi hơi vội vì di chuyển đến các nước liên tục, mọi thứ tìm hiểu khá gấp gáp nên bọn mình book hết mọi thứ trên Klook cho nhanh lẹ và đảm bảo, trong đó có sim. Có nhiều gói lựa chọn, mình làm luôn 2 con sim 18GB data, 5 phút gọi miễn phí, có hiện số điện thoại, hạn mức 30 ngày, khoảng 157 cành/sim; nhận tại sân bay Bali.
*Note: Không có quầy, quả tìm nhau suýt thì có phải lạc muôn đời… Bạn ra ngoài sảnh khu vực xe taxi đỗ, rẽ phải thấy có 1-2 người mặc áo cam có chữ Klook thì nhào vô đưa mã QR code là xong.
(3) Đổi tiền: Khuyến khích mang USD sang Bali để đổi sẽ được tỉ giá đẹp mộng mơ.Cách đổi USD tốt:
+Tại HN: bạn ra VCB 148 Hoàng Quốc Việt, mang theo hộ chiếu, photo vé bay khứ hồi, gọi điện trước 2 ngày bay, sẽ được đổi tuỳ theo số ngày bay. Check tỉ giá trước vào 8h mỗi ngày trên web của VCB.
+Tại HCM: ra hội sở VCB ở 5 Công Trường Mê Linh, Q1; cũng làm tương tự.
Đổi USD ra tiền Bali:
+Bali sử dụng đồng Indo Rupiah (IDR), họ cũng viết tắt 000 thành K như mình thôi. VD: 50.000 IDR thì viết là 50K IDR.
Tỷ giá hiện tại: 1000 vnđ=1666 IDR. (tức là tiền Bali gấp 1,6 lần tiền Việt)
+Bạn nên đổi một ít ở sân bay Bali, tỉ giá khoảng 1 USD = 14.300 IDR
+Muốn tỉ giá đẹp hơn cỡ 14.500 – 14.750 thì bạn có thể đổi trong Ubud hoặc trong các ngân hàng ở Bali. Tránh đổi ở Kuta, dễ bị lừa. Nếu không Vội Vàng – Xuân Diệu, mỗi lần chỉ nên đổi 100 -200 USD thôi.
(4) Ổ cắm điện đầu tròn, 2 chấu.
(5) Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng.
(6) Tải trước dụng Whatsapp vì bên này chủ yếu sử dụng nó để liên lạc.
(7) Tải Penguilindungi để khai báo nhập cảnh. Cái này đến sân bay cũng có chỗ quét nhưng mạng ở sân bay Bali quá kém, nên chuẩn bị từ nhà. Như mình thì lúc nhập cảnh không bị hỏi, cũng không có Internet để tải, hên xui có thể kiểm tra.
(8) Chuẩn bị sẵn PC-Covid và chứng nhận tiêm chủng ít nhất 2 mũi (bản tiếng Anh).
(9) Áo mưa, túi chống nước cho điện thoại, full giáp các thể loại đồ chống nắng, khăn quàng dài quấn chân khi vào các đền đài (hoặc mua/thuê sarong ngay ở đền)…

THỦ TỤC NHẬP CẢNH BALI:

- Xuống máy bay, theo dòng người đến quầy kiểm tra PC-Covid bản tiếng Anh, chứng nhận vacxin đã. (ít nhất 2 mũi)
- Bắt đầu vào khu vực nhập cảnh, chờ rất lâu, vào đóng dấu thì nhanh, không hỏi han gì. Lúc này bạn có thể sẽ bị hỏi về việc đã khai báo trên Penguilindungi chưa.
- Ra lấy hành lý ký gửi/hoặc ra thẳng cửa cuối cùng.
- Ngay cửa ra lại điền giấy khai báo, xếp hàng nộp lại mới ra cửa.
Tổng thời gian khoảng 2 – 2,5 tiếng; nhiều người VN (đi nghỉ lễ), sân bay rất đông đúc nhưng khá có nề nếp.

Đừng quay chụp ở khu vực xuất/nhập cảnh (đây là điều tất yếu và cần biết khi đến bất cứ sân bay nào). Cả lúc đi và về mình đều bắt gặp 2 trường hợp đứng ngay phía trước đã quay chụp (vô tình hoặc cố ý) và được hải quan nhắc nhở nặng nề, thậm chí đưa vào phòng kín.

DI CHUYỂN TRONG BALI:

- Grab, Gojek: 2 ứng dụng này rất thông dụng ở Bali, bạn có thể check và đàm phán với các chú tài xế sân bay. Mẹo là hãy ra hẳn khỏi sân bay rồi bắt xe cũng được, ở trong sân bay thì có tính phí đỗ xe nên sẽ bị đòi cao hơn. Quanh Bali thì hầu hết đều gọi xe được, trừ trên các đảo nhỏ.
- Xe máy: Đến các đảo nhỏ thì ngay đầu các cảng sẽ có người nhào vào lòng mình đòi nhét chìa khoá vào tay. Họ sẽ báo một cái giá cắt cmn cổ như là 100K – 150K IDR/ngày nhưng thực tế chỉ cỡ 70K IDR thôi nha.Còn ở đất liền thì mình thuê hẳn xe máy 9 ngày đi quanh Bali của Gorilla Rental Car chỉ tầm 55K IDR/ngày (giá đẹp nhứt cái đảo này luôn). Bạn lên website cùng tên để đặt, hẹn giờ, hẹn địa điểm nhận xe (gần bạn nhất), họ sẽ gửi biên nhận về mail. Thủ tục đơn giản: chụp hộ chiếu gởi vô Whatsapp, deposit kèm 500K IDR (ngày trả xe sẽ nhận lại). Xe kèm 2 mũ Người lạ ơi rất là ORANGE choé loé, free xăng đầy bình, lúc trả xe thì bơm đầy lại cho họ là được.
- Xe máy đi bên trái, người Indo phóng siêu nhanh, không bấm còi inh ỏi, đường nhiều đoạn núi ngoằn ngoèo, các địa điểm cách xa nhau, bạn nên cân nhắc nếu không phải tay lái lụa. Được cái xăng rẻ 7.650 IDR – 10K IDR/ lít; thuê xe rất rẻ; phóng rất tít; ít cảnh sát.
- Thuê xe riêng có kèm tài xế: Nếu đi 1 team đông (6-7 người), bạn nên dùng phương án này vì các điểm thăm quan ở Bali cách nhau khá xa, đôi khi khoảng 80-90km/chặng. Khu vực Ubud hoặc bất cứ tài xế nào bạn đã bước lên xe của họ thì đều có dịch vụ này, thường sẽ khoảng 500 – 700K IDR/ngày.

LỊCH TRÌNH CƠ BẢN:

Do chúng mình đi 12 ngày nhưng vài ngày bận ngủ và làm việc cày job nên lịch trình rất linh động. Sau đây mình xin nhân danh một travel blogger gửi tới các bạn và chính mình của tương lai một chiếc lịch trình chuẩn chỉnh, logic, không lười biếng:

NGÀY 1: Bay đến Bali -> Về cảng Sanur

NGÀY 2: Khám phá đảo Nusa Penida bằng xe máy: Diamond Beach; Tree House (hoàng hôn).
- Ra bến tàu Snaur Habour hỏi vé tàu Semabu đã đặt trước trên Klook (rẻ hơn, không phải chen lấn). Đi chuyến sớm đầu tiên 7h sáng; di chuyển 1 tiếng, tàu xịn. Lúc xuống nước lên tàu sẽ ướt ngang bẹn nên đề nghị ace chuẩn bị quần đùi và một sự vững vàng đừng để sóng xô tuột mất cái tinh thần, ôm chắc đồ nhất là laptop, máy quay, tiền nong này nọ.
- Xuống bến tàu, thuê xe máy ngay cảng đắt lòi 120K IDR cho 1,5 ngày (12h trưa hôm sau trả muộn có 15ph bị đòi thêm 5K IDR ối giời ôi).
- Vượt 3 cơn mưa sml của đảo, qua hàng chục quả dốc mà chị cho thuê xe doạ: “Dốc xoắn lắm, ngoằn ngoèo lắm con gái khum lái được đâu” để đi xe máy về phía Đông, nhận căn villa views biển nhưng à thì biển bị che bởi 1 bức tường ạ. Tỉnh táo thì dậy ăn, lên dây cót đi khám phá những địa điểm đẹp hú hồn: Diamond Beach; Tree House (hoàng hôn).

NGÀY 3: Di chuyển 28km về phía Tây đảo để khám phá tiếp Nusa Penida: sống lưng khủng long KelingKing, Angel Billabong, Broken Beach.

- Trả xe máy, ra bến Toya Pakeh Habour mua vé ra đảo Lembongan (chỉ 10ph di chuyển giữa 2 đảo)
- Thuê xe máy 70K IDR/ngày, khám phá 2 đảo nhỏ Lembongan và Ceningan. Các điểm: Dreambeach; Devils Tear for Sunset (ngắm hoàng hôn tầm 5:30pm). Còn bên Cenigan thì có: Blue Lagoon; Mahana point for sunset; See Brezee (nghe nhạc sống, ăn đồ Tây).
- Đấy là lịch trình em dự kiến còn thực tế nó không như thế. Chúng iem ở resort siêu đẹp đắt ơi là đắt bạn iem book để dưỡn dẹo mặc bikini nhưng chỉ dám nhúng chân xuống bể vì bể cao hơn cái đầu chúng iem. Bé giờ em mới sống ảo như thế, xong thì tận tối chúng iem mới ra khỏi cái resort ạ.

NGÀY 4: Trở về Ubud (trung tâm Bali)

- 5h50 dậy từ lúc gà chưa kịp gáy, ra bến tàu Mushroom Bay Beach để đi về Sanur. (1 tiếng di chuyển)
-  Thức dậy trong mơ màng, đi taxi xuống thuê xe ở Gorilla Rental Car.Chạy 27km về Ubud.
- Khám phá Ubud: Bali Swing (lại đặt trước Klook đỡ phải chờ đợi). Chỗ này vui quá, tự dưng cười hề hề mấy phát mà thân luôn với các anh chụp ảnh và phụ trách ở đây nên cứ vừa đu vừa hát vừa cười với nhau mà hết cả chiều. Lúc ra về, họ sẽ thuyết phục bạn mua ảnh được chụp bằng máy xịn, ngã giá sùi bọt mép thì chốt hạ là 200K IDR/38 cái ảnh mà hôm ấy iem mặc váy trắng nó phải gọi là trắng toát như con ma điêng, ảnh cháy sáng ảo lắm chưa dám up.
- Về Ubud ăn tối. Ở đây có khu Ubud Market nhộn nhịp về đêm nhưng tiệt không có chợ đêm ae nhé. Có đi mua sắm ở con phố gần đó, matxa hoặc đi nghe nhạc sống thì ok.

NGÀY 5: Khám phá Đông Ubud:

- 7h30 phi xe lên Bali Zoo ăn sáng cùng đười ươi. Cái này đặt trước Klook, tầm 1.200 cành cây/người, phải lói là bữa ăn sáng có giá trị hiện kim cao nhất từ bé đến giờ của iem. Chưa vào ăn đã được chụp ảnh với cụ đười ươi Chubby 12 tuổi (50 tuổi con người), cụ vui thì cụ liếc cho một cái để anh trông sở thú chụp hộ, không vui thì cụ quay đuýt vào màn hinh ạ.
- Bữa sáng kiểu u cũng không quá phong phú, đồ ăn tạm tạm thôi chỉ bằng 1/3 Bà Nà Hill. Được cái nhân viên rất rất nhiệt tình hỏi han từng tí một, ăn xong là dắt tay ra chụp hết voi, vẹt rồi đến thỏ ngọc… Vé này đã bao gồm dạo quanh sở thú nên có thể thoải mái trở lại tuổi thơ với hàng tỉ động vật như: cá sấu, ngựa vằn, sư tử, hổ…
- Đền Lempuyang: Di chuyển từ trung tâm Ubud khoảng 66km (2 tiếng) đến nơi có cổng trời Bali (Gate of Heaven). Xếp hàng 3 tiếng, mình số 310 mà đọc hết 1 cuốn sách chưa tới lượt. Lúc đến lượt thì trời đang nắng thành đen sì… Ảo nắm huhu.
- Di chuyển 8km đến Tirta Ganga – ngôi đền có những chú cá Koi siêu to khổng lồ. 17h đền đóng nên chúng mình cũng chỉ kịp vào ngắm nửa tiếng, ngồi xích đu ngắm cảnh rồi mò ra kiếm đồ ăn.
- Nếu đi sớm, kịp thời gian, bạn có thể đi thêm Bukit Cinta (views ngắm được núi lửa Agung) và Taman Ujung Water Palace kiểu kiến trúc vừa Á vừa u, chủ yếu để chụp ảnh.
- Di chuyển khoảng 56km về lại Ubud. Đoạn này bọn mình đi theo Maps vào đường rừng sâu 8km, đường tối đen, dốc, trơn, ổ gà và bị ngã xe (nhưng không sao). May mắn có một cặp vợ chồng Indo giúp đỡ và đưa ra đến tận đường nhựa, cùng về Ubud. Từ đây là yêu Bali lắm rồi này. Người dân quá quá sức tốt bụng.

NGÀY 6: Ngắm bình minh trên núi lửa Batur
- Trekking Batur + đi xe jeep ngắm bình mình: Batur là một ngọn núi lửa nằm ở phần trung tâm của hai miệng núi phía Tây Bắc núi Agung tại đảo Bali. Phía Đông Nam của núi lửa có một hồ với miệng núi lửa khá rộng.

Cho đến nay, núi lửa Batur vẫn còn hoạt động. Vụ phun trào đầu tiên được ghi nhận vào năm 1804, gần nhất là năm 2000. Mình đặt trước trên Klook hành trình Ngắm bình minh trên núi Batur bằng xe Jeeep, tầm hơn 1 củ/người, đã bao gồm ăn sáng, đưa đón tận thành phố, kéo dài từ 3h30 sáng đến khoảng 10h30 sáng. 3h30 sáng xe của Klook đón đi đến điểm Jeep Point, ăn nhẹ, đổi sang xe Jeep đi lên chân núi. Trekking 2km hết khoảng 1 tiếng, ngắm quả bình minh trên núi lửa, có cả biển phía trước đẹp ảo diệu.
Lúc xuống, theo lịch thì mình sẽ đi tiếp đến khu vực dung nham đen và đi đồn điền cafe. Nhưng vì đường trơn trượt, một bạn nữ người Argentina đã ngã gãy cả răng nên bọn mình quyết định bỏ lịch trình, giúp bạn xuống núi, thay vì để bạn trekking bộ một quãng đường xa.
- Về lại Ubud nghỉ ngơi, dạo quanh các điểm trung tâm: Ubud Art Market, Monkey Forest, Campuhagn Ridge Walk.

NGÀY 7: Tegalalang (ruộng bậc thang Bali) -> Penglipuran Village (ngôi làng sạch nhất thế giới) -> dạo quanh Ubud. (Ngày này mình bịa ra đấy, thực tế là mình ngủ còn bạn mình làm việc)

NGÀY 8: Đến Lovina Beach (72km)
- Tirta Empul: Đền thiêng của người Hindu, có 12 đài phun nước tinh khiết, nơi mọi người thường đến cầu phước lành, rửa sạch tội lỗi.
- Di chuyển 72km đến Lovina Beach. Đường đèo dốc, không nên đi buổi tối (như bọn mình).

NGÀY 9: Lovina ngắm cá heo

- 5h đi xem cá heo ăn sáng, đặt trước Klook, họ sẽ liên hệ cực kỳ sớm và hướng dẫn siêu chi tiết. 6h, ca trăm chiếc thuyền nhỏ xuất phát ra giữa biển canh xem chỗ nào có cá heo đi ăn sáng thì lao theo. Bình minh tuyệt đẹp kết hợp với cảnh các em cá heo xuất hiện bất thình lình là một trải nghiệm khó quên trong đời.
- Di chuyển đi Pura Tanah Lot: ngôi đền thiêng nằm sát biển, có thờ thần rắn và nhiều tích ly kỳ xoay quanh.
- Trên đường đi có thể ghé qua thác Leke Leke (như mình là đến nơi rồi xong mưa nên đành đi tiếp cho kịp giờ, không vào thác nữa)
- Về Kuta nhận phòng, đi Kuta Art Market xem đồ lưu niệm.

NGÀY 10: Đến Kuta (85km)
- Kuta Beach
- Ngắm hoàng hôn ở Savaya Bali Beach Club
-  Đi Discovery Mall

NGÀY 11: Malini Uluwatu Seafood – Karang Boma Cliff – Uluwatu – Kecak Dance - Đến Jimbaran Beach ăn hải sản - Về lại Kuta
- Karang Boma Cliff: một bãi đá đẹp, hoang sơ, ngắm bình minh siêu đẹp; cách đền Uluwatu có 2-3km thôi.

- Uluwatu: Tọa lạc trên vách núi dựng đứng ở độ cao 90m, Uluwatu được xem là một trong những ngôi đền thiêng nhất ở Bali. Nơi đây có lối kiến trúc độc đáo được giáo sĩ người Java thiết kế. Ở Uluwatu cũng nổi tiếng với việc ngắm hoàng hôn và xem trình diễn Kecak Dance - điệu múa lửa nổi tiếng của người Bali. Vé vào: 50K IDR/người.
- Kecak Dance (Kê Chak): Điệu múa lửa truyền thống, loại hình nghệ thuật lâu đời của người Bali. Kê Chak xuất phát từ những âm thanh hoàn toàn được tạo ra từ miệng của 70 vũ công tham gia múa, không sử dụng bất cứ nhạc cụ nào. Kecak có nguồn gốc từ Sanghyang - một điệu nhảy trừ tà. 60 phút xem Kecak Dance là trải nghiệm thú vị khi sử thi Ramayana về nàng Sita, chàng Rama được tái hiện sống động qua những âm thanh “Chak-chak-chak” và điệu múa truyền thống.
Kecak Dance công diễn ở đền Uluwatu lúc 18h và 19h; vé vào cổng là 150K IDR. Mua trước trên Klook thì rẻ hơn, có 1 hàng riêng không cần đứng xếp hàng dài 1 cây số tại đền. Nên xem suất 18h để ngắm được hoàng hôn siêu đỉnh.

NGÀY 12: Mua đặc sản hoặc đi chợ Krisna Oleh Oleh Bali Bypass – Lippo Mall – ăn trưa – Ra sân bay.
- ĂN GÌ TẠI BALI (TỪNG KHU VỰC):
Rất rất nhiều người chê đồ Indo khó ăn nhưng mình đi Ấn Độ 1 tháng rồi nên ăn theo cách nấu của Hồi giáo nhiều sốt, cari… cũng không quá lạ lẫm. Đồ ăn bên này chủ yếu là cơm và mì, kèm thịt gà, thịt lợn, ăn với một ít rau và cả phồng tôm.

Vẫn có nhiều quán Thái, Trung, India,… nên cứ ở đâu thì lên GG map gõ nhà hàng gần mình để xem kỹ menu, review… cho dễ kiếm đồ; vì đồ ăn thì mỗi mồm một vị, không có review nào là chính xác hoàn toàn.

- Các món ăn đặc trưng:

+Nasi Goreng: cơm chiên
+Babi Guling: thịt heo sữa quay giòn
+Cá nướng Ikan bakar
+ Gado Gado: rau luộc
+ Vịt nướng Bebek Betutu

- Các quán ăn ổn áp (ở từng khu vực):

+Laka Leke Restaurant: vịt nướng rất đỉnh, không gian đẹp, đậm chất Indo.
+Iku Oka: món thịt heo sữa quay giòn nổi tiếng.
+Warung Siam: quán Thái ngon nhức nách, bật nhạc Thái sập sình.
+Warung Biah Biah: quán Indo nổi tiếng, xếp hàng đông.
+Igobar Bli Wayan: nổi tiếng với món cá nướng; có cả trình diễn Indonesia Dance suất 19h30. – 20h30.
+Sugriwas’s Warung: đồ ăn Indo, khá ngon.
+Golden Monkey Chinese Restaurant: quán Trung Quốc, ăn tạm ổn, đắt.**Kuta:
+Malini Uluwatu: quán views biển siêu siêu đỉnh, ngay dưới chân đền Uluwatu, nên đặt trước qua Fanpage hoặc Whatsapp.
+Vietnamese Minnie Warung: quán trong trung tâm Kuta, khá rẻ, thịt kho tàu và phở giống VN đến 80%.
+Warung Segarrr: món cá chiên sốt ngon đỉnh, đồ ăn kiểu đậm chất Đông Nam Á.

MUA GÌ LÀM QUÀ:

+ Dreamcatcher/đồ thủ công mỹ nghệ (Ubud): cứ vào các chợ lớn, mặc cả 1/3 nha hoặc ¼ cũng được, nói siêu thách luôn các bác à, phải cứng. Đừng ngại, nếu mình ngại là ví mình đau. Đồ bên này rất rất đẹp, nếu giàu thì chỉ muốn hốt hết thôi, nhưng nhớ lấy thần chú: 1/3.
+ Bánh Pie Susu Asli Enaaak (Ubud): đặc sản kiểu bánh tart trứng của Indo, xếp hàng trong cửa hàng rất đông, có đóng gói chuyên nghiệp cho khách ký gửi đi khắp địa cầu; 35K IDR/hộp 10 chiếc.
+ Đồ trong MR D.I.Y (Lippo Mall Kuta): toàn đồ siêu cute, giá rẻ hều, lạc lối luôn.
+ quả Mây Thái: bên ngoài sần sùi mà thịt siêu ngon luôn ấy. Quả này ở SG nhiều nhưng miền Bắc ít bán nên qua đây ăn cũng hợp lý lắm này.

CHI PHÍ:

+Vé máy bay: 5 củ (cả ký gửi)
+Đặt các thể loại trải nghiệm, sim card trên Klook: 4 củ
+Ăn uống ná thở không kiêng khem, mat-xa-ge liên tọi: 11 củ
Tuỳ vào nơi bạn đặt, món bạn ăn, trải nghiệm bạn thu về, vụ chi phí này không có cái gì là chuẩn mực, chỉ mang tính tham khảo thôi. Thường người ta đi 7 ngày hết cỡ 15tr. Vị chi cứ 1 ngày bạn chi hết loanh quanh 1 củ, tuỳ sức mà căn ke nha.

LƯU Ý:

-Luôn cẩn thận với lũ khỉ, có thể bị giật kính, mũ, khuyên tai, đồ ăn bất cứ lúc nào.
-Kuta nổi tiếng với móc túi ở các bar pub; đổi tiền theo kiểu lừa lọc mánh khoé, cẩn thận vẫn hơn.
-Kiên nhẫn xếp hàng ở tất cả các điểm thăm quan nổi tiếng, 1-3 tiếng là chuyện quá bình thường. Có thể mang sách để đọc.
-Đi đền đài nên mặc quần áo dài tay, qua đầu gối hoặc mang khăn quấn.
-Khả năng nói thách của người Bali ngang ngửa Ấn Độ. Hãy học cách trả giá.
-Một vài đoạn đường map định vị rất vớ vẩn, nên hỏi kỹ người dân, họ có thể nhiệt tình đến mức dẫn bạn đến tận nơi.
-Giá cho một lần đi WC thường là 5K IDR, nên chuẩn bị tiền lẻ.

Cảm ơn #trangchogogo #reviewBali #Klook

Bài viết liên quan